HỘI CHỨNG NGƯNG THỞ KHI NGỦ – SÁT THỦ THẦM LẶNG TỪ GIẤC NGỦ
1. HỘI CHỨNG NGƯNG THỞ TẮC NGHẼN KHI NGỦ LÀ GÌ?
Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là một hội chứng phổ biến nhưng được ít người quan tâm đúng cách.
Ước tính trên toàn thế giới có khoảng gần 1 tỷ người mắc Hội chứng ngưng thở khi ngủ, trong đó có hơn 400 triệu người mắc mức độ trong bình – nặng (1). Ở Việt Nam có 4 triệu người đang mắc, tỷ lệ mắc đối với nam giới là 14% và đối với nữ giới là 5%. Trong dân số chung ở Việt Nam thì tỷ lệ mắc là 8,5% nhưng thực tế còn rất nhiều người chưa biết và chưa được chẩn đoán kịp thời (2).
Ngưng thở khi ngủ là 1 tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự ngưng và giảm thở do tắc nghẽn gây ra do sự xẹp đường hô hấp trên lặp đi lặp lại xuyên suốt quá trình ngủ của bệnh nhân. Khi đó, lượng Oxy đến phổi sẽ bị hạn chế và não sẽ đánh thức bạn dậy khi cảm thấy thiếu Oxy quá mức. Điều này có thể xảy ra vài lần trong đêm, hoặc nghiêm trọng hơn là vài trăm lần một đêm.
Điều này làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn ngắn hạn như giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông; và lâu dài sẽ góp phần gây ra những bệnh lý mãn tính về tim mạch, chuyển hóa nếu không được điều trị kịp thời, thậm chí có thể gây tử vong ngay trong khi ngủ.
2. PHÂN LOẠI NGƯNG THỞ KHI NGỦ
Ngưng thở khi ngủ bao gồm
– Ngưng thở tắc nghẽn (Obstructive Sleep Apnea – OSA): Là loại ngưng thở phổ biến nhất, chiếm hơn 80%. Nguyên nhân là do các cơ đường hô hấp thư giãn quá mức trong lúc ngủ và sụp xuống làm cho đường thở bị tắc nghẽn.
– Ngưng thở trung ương (Central Sleep Apnea – CSA): Là loại ngưng thở ít gặp hơn. Nguyên nhân là do hệ thần kinh điều khiển hô hấp có vấn đề, mất sự tương tác giữa hệ thần kinh và cơ hoành khiến cho cơ hoành không hoạt động.
– Ngưng thở hỗn hợp (Mixed Sleep Apnea – MSA): Là loại ngưng thở vừa do hệ thần kinh điều khiển hô hấp gặp vấn đề, vừa do cơ hô hấp thả lỏng làm chèn ép đường thở.
– Và những loại ngưng thở khác
Mỗi loại ngưng thở sẽ có cách điều trị khác nhau. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ – Hội chứng ngưng thở phổ biến nhất.
3. TRIỆU CHỨNG ĐIỂN HÌNH
Có đến 90% người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thể tắc nghẽn không biết về tình trạng bệnh của bản thân. Nguyên nhân do triệu chứng chỉ xảy ra khi ngủ, nghĩa là bệnh nhân không ý thức được tình trạng này đang xảy ra.
Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ gây ra bởi các cơ hầu họng thả lỏng và chèn ép đường thở. Khi đó, bệnh nhân sẽ phát ra tiếng ngáy và sau đó là những cơn ngừng thở. Khi đó, cơ thể sẽ cảnh báo bạn khi thiếu Oxy và sẽ đánh thức bạn dậy. Đây là triệu chứng phổ biến nhất và cũng là yếu tố nguy cơ dễ chẩn đoán nhất.
Việc cơ thể bạn bị đánh thức nhiều lần trong đêm do bị ngưng thở sẽ biểu hiện ra những triệu chứng điển hình vào những ngày sau đó, đặc biệt là vào ban ngày. Dưới đây là những triệu chứng điển hình của Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ:
🔹 Ngáy to
🔹 Những khoảng ngừng thở im lặng
🔹 Bệnh nhân giật mình dậy thở hổn hển
🔹 Buồn ngủ ban ngày
🔹 Ngủ không ngon hoặc trằn trọc hoặc mất ngủ
🔹 Nhức đầu, mệt mỏi vào sáng hôm sau
🔹 Dễ cáu gắt
🔹 Khó tập trung
🔹 Suy giảm trí nhớ
🔹 Suy giảm ham muốn tình dục hoặc rối loạn cương dương
4. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ MẮC NGƯNG THỞ TẮC NGHẼN KHI NGỦ
Chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả ở trẻ em. Nhưng sẽ gặp phổ biến ở độ tuổi trung niên, và nam nhiều hơn nữ. Yếu tố nguy cơ chính gây ngưng thở khi ngủ là thừa cân – béo phì. Tuy nhiên, chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể xảy ra ở những người gầy nhưng với tỷ lệ thấp hơn.
Các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:
🔹 Thừa cân – béo phì: Nguy cơ ngưng thở tăng tới 3 lần so với người bình thường
🔹 Chu vi vòng cổ lớn: Chu vi lớn hơn 43cm đối với nam và lớn hơn 38cm đối với nữ. Cổ to có nhiều mô mềm hơn và tăng nguy cơ chặn đường thở của bạn
🔹 Nam giới
🔹 Phụ nữ tiền mãn kinh
🔹 Độ tuổi trung niên
🔹 Bất thường về đường thở: Phì đại amidan, lưỡi lớn, xương hàm nhỏ, lệch vách ngăn mũi, …
🔹 Người nghiện thuốc lá và rượu
🔹 Sử dụng thuốc an thần hoặc chất gây nghiện
🔹 Tiền sử gia đình có người mắc ngưng thở khi ngủ: 1 số đặc điểm di truyền như béo phì, vòng cổ lớn, lưỡi lớn, … làm tăng nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ
🔹 Người đang mắc các bệnh như Tăng huyết áp, Đái tháo đường, Nhược giáp, Tim mạch, …
Đối với trẻ em thì thường sẽ liên quan tới các vấn đề về tai – mũi – họng và thừa cân béo phì.
5. HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG NHƯNG “THẦM LẶNG”
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể sẽ làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hay buồn ngủ vào ngày hôm sau. Đây có thể chỉ là những triệu chứng nhẹ ban đầu và mọi người thường bỏ qua nó. Nhưng lâu dài hơn sẽ gây ra những hậu quả nặng hơn do cơ thể bị thiếu Oxy trong thời gian dài hạn và việc phải thức giấc nhiều lần trong đêm vì ngưng thở.
Giải thích đơn giản thì khi bạn bị ngưng thở khi ngủ, Oxy trong máu sẽ giảm thấp và khi cơ thể nhận ra điều đó, tim sẽ hoạt động nhiều hơn để cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Tới khi oxy không còn đủ để cung cấp cho cơ thể thì não bộ sẽ đánh thức chúng ta dậy. Lâu dần khi tim phải hoạt động liên tục như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, là nguyên nhân thứ phát dẫn đến các bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp thứ phát, suy tim, … Và khi chúng ta tỉnh dậy nhiều lần giữa đêm thì các cơ quan khác cũng sẽ hoạt động bình thường như thận và làm chúng ta đi tiểu đêm nhiều lần.
Dưới đây là những hậu quả thường gặp khi mắc Hội chứng ngưng thở khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
🔹 Rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, suy tim và nhồi máu cơ tim
🔹 Huyết áp cao
🔹 Tai biến mạch máu não
🔹 Đột quỵ
🔹 Đột tử trong khi ngủ
🔹 Tiểu đường
🔹 Giảm trí nhớ, giảm tập trung dẫn đến giảm năng suất làm việc
🔹 Thay đổi cảm xúc, dễ cáu gắt và trầm cảm
🔹 Tai nạn giao thông do buồn ngủ khi lái xe
🔹 Những người bị ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán trước khi phẫu thuật gây mê có thể gây nguy hiểm tính mạng vì tình trạng nằm ngửa dẫn đến khó thở
🔹 Việc ngưng thở khi ngủ thường kèm theo ngáy to có thể làm sứt mẻ mối quan hệ giữa vợ chồng
Ở trẻ em, ngưng thở khi ngủ còn có thể gây ra chứng tăng động giảm chú ý, hay gây gổ, quấy khóc, tiểu dầm và giảm thành tích học tập.
6. CHẨN ĐOÁN
Người bị ngưng thở khi ngủ sẽ không tự nhận biết được họ gặp khó khăn khi thở, bởi vì ngưng thở chỉ xuất hiện khi họ đã ngủ say. Vì vậy, ngưng thở khi ngủ thường không được phát hiện, mặc dù nó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Trước khi thực hiện những bài kiểm tra chuyên sâu về giấc ngủ, bạn có thể tự đánh giá nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ thông qua bài kiểm tra dưới đây:
Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, bạn hoàn toàn có thể được chẩn đoán bằng các thiết bị hiện đại.
Theo Hội Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM), tiêu chuẩn vàng chẩn đoán Hội chứng ngưng thở khi ngủ là ĐO ĐA KÝ GIẤC NGỦ. (Tìm hiểu thêm)
Máy sẽ ghi nhận các thông số sau:
🔹 Điện não – Điện tim – Điện cơ chân – Điện cơ cằm
🔹 Dòng khí thở – Cử động hô hấp – Bão hòa oxy máu – Nhịp tim – Ngáy
Sau đó phần mềm sẽ phân tích và cho kết quả:
▪️ Các chỉ số giấc ngủ: Ngủ nông, ngủ sâu, thời gian ngủ, tư thế nằm
▪️ Các chỉ số hô hấp: Ngưng thở; giảm thở; ngưng thở trung ương; ngưng thở tắc nghẽn; …
▪️ Các chỉ số Oxy máu – nhịp tim: SpO2, nhịp tim, …
▪️ Các chỉ số khác: Tần suất ngáy, cử động chân, nhịp thở, …
7. ĐIỀU TRỊ CHỨNG NGƯNG THỞ KHI NGỦ
Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng. Bạn cần phải có 1 kế hoạch điều trị từ bác sĩ chuyên gia giấc ngủ.
Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bạn thì sẽ có nhiều phương pháp để điều trị. Nhưng theo Hội Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ, tiêu chuẩn vàng trong điều trị Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là THỞ MÁY ÁP LỰC DƯƠNG CPAP. (Tìm hiểu thêm)
Bạn có thể kết hợp nhiều phương pháp với nhau để tăng hiệu quả điều trị:
🔻 Thở máy áp lực dương CPAP
CPAP là máy thở sử dụng luồng không khí ổn định và nhẹ nhàng, giữ cho đường thở của bạn thông thoáng suốt đêm. Bạn sẽ ngủ với một chiếc mặt nạ được gắn vào một chiếc máy để ở đầu giường. Mặt nạ và máy móc có thể khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu điều trị và sự thoải mái của bạn. CPAP là phương pháp điều trị hàng đầu cho chứng ngưng thở khi ngủ và được khuyên dùng cho hầu hết bệnh nhân.
🔻 Dụng cụ răng hàm
Dụng cụ răng hàm là một dụng cụ vừa vặn trong miệng bạn trên răng khi bạn ngủ. Nó có thể giống với dụng cụ giữ răng chỉnh nha. Thiết bị ngăn không cho đường thở bị xẹp bằng cách giữ nguyên vị trí lưỡi hoặc trượt hàm về phía trước để bạn có thể thở khi ngủ. Một số bệnh nhân thích ngủ với dụng cụ răng hàm hơn máy CPAP. Dụng cụ răng hàm được khuyến nghị cho những bệnh nhân ngưng thở từ nhẹ – trung bình và không thể sử dụng được CPAP hoặc chỉ đơn giản là muốn thử sử dụng thiết bị qua miệng thay vì thiết bị CPAP.
🔻 Phẫu thuật vùng hầu họng
Phẫu thuật áp dụng khi CPAP hoặc dụng cụ răng hàm không hiệu quả với bạn. Các lựa chọn phổ biến nhất làm giảm hoặc loại bỏ các mô thừa trong cổ họng khi bị xẹp xuống và chặn đường thở của bạn trong khi ngủ. Các quy trình phức tạp hơn có thể điều chỉnh cấu trúc xương của bạn bao gồm xương hàm, mũi và xương mặt. Phẫu thuật giảm cân cũng có thể là một lựa chọn. Tham khảo ý kiến bác sĩ giấc ngủ của bạn về loại phẫu thuật phù hợp với bạn.
🔻 Kích thích đường hô hấp trên
Là một thiết bị nhỏ được cấy vào thành ngực của bạn, giống như máy tạo nhịp tim. Máy sẽ được nối trực tiếp với dây thần kinh kích thích lưỡi. Khi hoạt động, máy sẽ kích thích lưỡi của bạn nhẹ nhàng di chuyển về phía trước trong khi ngủ. Máy được điều khiển từ xa để bạn thuận tiện hơn khi tắt – mở. Trước khi bạn có thể cấy ghép cái này, bác sĩ tai mũi họng sẽ nội soi đường thở bằng ống mềm khi bạn ngủ để biết được lý do tại sao bạn bị ngưng thở khi ngủ. Nếu đó là do lưỡi của bạn chặn đường thở, bạn có thể nên sử dụng phương pháp này. Nếu đường thở của bạn bị xẹp hoàn toàn, bạn không nên sử dụng phương pháp này.
🔻 Kiểm soát cân nặng
Giảm cân là 1 phương pháp hỗ trợ hiệu quả, giúp cải thiện hoặc loại bỏ các triệu chứng ngưng thở khi ngủ nếu bạn thừa cân hoặc béo phì. Những người thừa cân thường có cổ dày với nhiều mô trong cổ họng có thể chặn đường thở. Bạn nên kết hợp giảm cân với các phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị.
🔻 Thay đổi tư thế
Một số người bị ngưng thở khi ngủ chủ yếu khi ngủ nằm ngửa và thở bình thường khi họ ngủ nghiêng. Liệu pháp tư thế có thể liên quan đến việc đeo một thiết bị đặc biệt quanh eo hoặc lưng của bạn giúp giữ cho bạn ngủ ở tư thế nằm nghiêng. Một lựa chọn khác là một thiết bị nhỏ đeo sau gáy. Nó nhẹ nhàng rung khi bạn bắt đầu nằm ngửa khi ngủ và sẽ không đánh thức bạn dậy. Liệu pháp tư thế có thể được sử dụng một mình hoặc cùng với một phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ khác.
🔻 Thay đổi lối sống
Có nhiều thay đổi trong lối sống có thể giúp bạn giảm ngáy và cải thiện các triệu chứng ngưng thở khi ngủ như bỏ hút thuốc, không uống rượu,… Rượu làm giãn cơ cổ họng, có thể khiến bạn ngáy hoặc làm xẹp đường thở. Nếu bạn bị dị ứng, uống thuốc thông mũi trước khi đi ngủ có thể giúp cải thiện luồng không khí qua mũi.
Tài liệu tham khảo:
(1) Gottlieb DJ, Punjabi NM. Diagnosis and Management of Obstructive Sleep Apnea: A Review. JAMA. 2020 Apr 14;323(14):1389-1400. doi: 10.1001/jama.2020.3514. PMID: 32286648.
(2) Duong-Quy S, Dang Thi Mai K, et. Study about the prevalence of the obstructive sleep apnoea syndrome in Vietnam. Rev Mal Respir. 2018 Jan;35(1):14-24.